Tái chế sản phẩm bao bì: Cơ hội thúc đẩy ngành công nghiệp môi trường công nghệ cao
Việc sản phẩm nhựa tái chế của Việt Nam đã xuất khẩu đi 12 quốc gia, điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp môi trường công nghệ cao.
24 đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì
Trên cơ sở đơn đề nghị, hồ sơ cung cấp của đơn vị tái chế và ý kiến của sở tài nguyên và môi trường các địa phương, vừa qua Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT) đã công bố danh sách 24 đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì có giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần theo quy định của pháp luật. Trong đó, có 7 công ty có thể tái chế ắc quy, pin; 3 công ty có thể tái chế dầu nhớt; 4 công ty có thể tái chế sản phẩm điện, điện tử. Ngoài ra còn có 2 tổ chức được ủy quyền tổ chức tái chế.
Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường ông Phan Tuấn Hùng – Vụ trưởng Vụ Pháp chế: Việc công bố danh sách đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì nhằm cung cấp, hỗ trợ thông tin cho nhà sản xuất, nhập khẩu biết và tham khảo trong việc thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì.
Nhà sản xuất, nhập khẩu có thể lựa chọn, ký kết hợp đồng tái chế với các đơn vị tái chế trong hoặc ngoài danh sách được công bố, nhưng phải bảo đảm đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường quy định tại khoản 4 Điều 79 Nghị định 08/2022/NĐ-CP tại thời điểm ký kết hợp đồng tái chế.
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường,mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường (Ảnh: Rác thải tại đảo Nam Du- Kiên Giang) |
Việt Nam hiện trở thành một trong những nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn nhất thế giới. Theo số liệu thống kê từ Bộ TN&MT và Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nilon, 80% số túi nilon đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần.
Việt Nam đứng thứ 4/20 quốc gia ở top đầu, với khoảng 0,28 – 0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới. Việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp hoặc đốt và chỉ có 10% còn lại được tái chế. Do vậy việc đẩy mạnh tái chế và giảm thiểu sẽ là giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam.
Sau cam kết đưa phát thải ròng tại Việt Nam về mức 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26, góp phần vào những mục tiêu lớn của đất nước, nhiều hoạt động nhằm hưởng ứng giảm thiểu rác thải nhựa đã được diễn ra. Trong đó, Công ty TNHH Nhựa Duy Tân (DUYTAN Recycling) là một trong những doanh nghiệp có những hoạt động tiên phong trong việc chuyển đổi xanh, với mô hình kinh tế tuần hoàn nhựa.
Việt Nam đã xuất khẩu nhựa tái chế
Là một trong những doanh nghiệp nằm trong danh sách doanh nghiệp tái chế bao bì, sản phẩm được Bộ TN&MT công bố vào ngày 20/2 vừa qua, DUYTAN Recycling được biết đến là doanh nghiệp tiên phong trong tái chế bao bì nhựa.
Theo đó, DUYTAN Recycling đã đầu tư và xây dựng một nhà máy có tổng diện tích 65.000m2 cung cấp sản phẩm nhựa tái chế chất lượng cao với công nghệ “Bottle-to-Bottle”. Mỗi chai nhựa đã qua sử dụng sẽ được tái chế thành các hạt nhựa tạo ra một vòng lặp mới, qua đó, giúp giảm sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch.
Sản phẩm chính của nhà máy là hạt nhựa tái sinh rPET cho bao bì thực phẩm và rHDPE cho bao bì hóa mỹ phẩm được sản xuất với quy trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, đáp ứng tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn đối với bao bì.
Hoạt động phân loại rác tại Nhà máy tái chế nhựa của DUYTAN Recycling (Ảnh: Duy Tân) |
Bên cạnh đó, nhà máy đang được vận hành theo tiêu chí "3 không" trong quá trình sản xuất: không rác thải - không khí thải - không nước thải. Việc áp dụng tiêu chí này không chỉ giúp công ty thúc đẩy việc sản xuất không gây ô nhiễm môi trường mà còn quan tâm nhiều hơn đến việc tái sử dụng các nguồn năng lượng trong sản xuất
Với công suất 60.000 tấn/năm, tương đương với hơn 4 tỷ chai nhựa được tái sinh mỗi năm. Khi vận hành tối đa công suất có thể đạt tới 100.000 tấn, tương đương 7 tỷ chai nhựa. Trong năm 2023, DUYTAN Recycling đã thu gom và tái chế được 30.800 tấn rác thải nhựa, tương đương 2,4 tỷ chai nhựa.
Số lượng chai nhựa đã được xử lý tái chế không chỉ cung cấp nguyên liệu cho các công ty đối tác nhãn hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) lớn tại Việt Nam mà còn xuất khẩu sang 12 quốc gia bao gồm Hoa Kỳ và Châu Âu với sản lượng xuất khẩu là 60%.
Ông Lê Anh – Giám đốc phát triển bền vững của DUYTAN Recycling cho biết: Ngoài các tiêu chuẩn ISO cho hệ thống quản lý, sản phẩm của DUYTAN Recycling còn đáp ứng các tiêu chuẩn của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), chứng nhận từ Cơ quan An toàn thực phẩm Châu Âu (EFSA) và hệ thống các chứng nhận khác. Qua đó, khẳng định chất lượng sản phẩm hạt nhựa tái sinh an toàn cho sức khỏe, phù hợp để sản xuất bao bì cho thực phẩm, bao gồm cả nước uống.
Để đạt được những chứng nhận trên, toàn bộ hệ thống công nghệ của DUYTAN Recycling đều phải đảm bảo các tiêu chí đánh giá tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá trị và hiệu quả cao; có hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam hoặc quốc tế.
“Điều này cho thấy ngành tái chế hiện nay không còn là ngành thô sơ như trước đây mà có tiềm năng trở thành ngành công nghệ tái chế dành cho các doanh nghiệp đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật cao và chất lượng quốc tế để có thể phục vụ cho thị trường xuất khẩu”- ông Lê Anh chia sẻ.
Vượt lên những thách thức
Trước đó, chia sẻ tại Hội thảo “Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình” diễn ra tại Hà Nội vào 22/11/2023, ông Lê Anh cho biết, những kết quả đạt được của DUYTAN Recycling thời gian qua từ sự đồng hành của Chính phủ thông qua các cơ chế, chính sách đã kịp thời được ban hành. Trong đó đáng chú ý, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đưa ra khái niệm EPR trong đó quy định rõ trách nhiệm của nhà sản xuất và nhập khẩu trong việc tái chế và xử lý các sản phẩm, bao bì thải bỏ.
Ngoài ra, công ty cũng nhận được sự quan tâm, đồng hành trong các hoạt động, diễn đàn uy tín về kinh tế xanh, đóng góp sáng kiến liên quan đến phát triển bền vững, sự ủng hộ của người tiêu dùng và từ các doanh nghiệp hàng đầu như: Coca Cola, Nestle, Lavie, Unilever, Suntory Pepsico để thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn, lan tỏa việc sử dụng sản phẩm tái chế nhằm hướng đến mục tiêu chung xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn cũng như từ các Hiệp Hội: Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA); Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) và Hiệp Hội Tái Chế Chất Thải Việt Nam (VWRA).
60% sản lượn sản phẩm nhựa tái chế của DUYTAN Recycling được xuất khẩu (Ảnh: Duy Tân) |
“Tuy nhiên DUYTAN Recycling cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi chi phí đầu tư cho công nghệ cao là rất lớn, sản phẩm tái chế chưa được người tiêu dùng đón nhận. Cùng với đó rác thải hầu hết chưa được phân loại tốt tại nguồn. Các hoạt động thu gom, tái chế còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chủ yếu làm thủ công ở các làng nghề, chưa tuân thủ công tác môi trường”- ông Lê Anh nhấn mạnh.
Ngoài ra, về mặt kỹ thuật, Việt Nam chưa có công nghệ tái chế phù hợp, các công nghệ tái chế hiệu quả phải nhập khẩu từ nước ngoài với chi phí khá cao. Bao bì chưa có tiêu chuẩn hóa và chưa thân thiện với công nghệ tái chế, chưa khuyến cáo phân rõ vật liệu dùng cho nắp chai, nhãn, keo để việc tái chế được thuận tiện và giảm chi phí, cũng như giảm hao hụt nguyên liệu trong sản xuất…
Ông Lê Anh cho hay: “May mắn là chúng tôi cũng đã có thị trường, có cả nước ngoài. Về mặt kinh doanh, chúng tôi chưa có lãi. Đó là bài toán khó, kinh tế tuần hoàn thực sự thách thức vì chi phí đầu tư tái chế công nghệ cao rất lớn, người tiêu dùng chưa đón nhận, khách hàng chưa sẵn sàng”.
Theo Giám đốc phát triển bền vững của DUYTAN Recycling, ông kỳ vọng thời gian tới ngành tái chế công nghệ cao sẽ có sự thay đổi năng động hơn, doanh nghiệp dấn thân hơn, có thêm nhiều ngành tham gia, chẳng hạn như doanh nghiệp giấy.
Hiện DUYTAN Recycling đang đã tích cực thực hiện các dự án như “Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa tại huyện Cần Giờ” do DUYTAN Recycling kết hợp cùng Quỹ Coca-Cola Toàn cầu và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) triển khai; đồng thời hợp tác, kết nối với nhiều doanh nghiệp để có nguyên liệu đầu vào cho nhà máy.